Các bản cập nhật được tạo ra để cải thiện hiệu suất điện thoại, nhưng đôi khi chúng có thể gây ra tình trạng quá nhiệt tạm thời.
Các bản cập nhật phần mềm giống như việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho chiếc điện thoại của bạn. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hiệu suất và tuổi thọ của thiết bị, mang đến các bản sửa lỗi, cải tiến bảo mật và những tính năng mới giúp điện thoại luôn hoạt động trơn tru.
Tuy nhiên, đôi khi những bản cập nhật này cũng có thể khiến điện thoại trở nên quá nóng tạm thời. Một ví dụ điển hình gần đây đã xảy ra vào năm ngoái, khi Apple phải đối mặt với làn sóng khiếu nại về tình trạng quá nhiệt trên dòng iPhone 15, đặc biệt là iPhone 15 Pro và iPhone 15 Pro Max. Nhiều người dùng đã chia sẻ trên X (trước đây là Twitter) rằng iPhone của họ nóng đến mức không thể cầm trên tay, trong khi một số khác đăng tải hình ảnh nhiệt kế cho thấy nhiệt độ vượt quá 29,2°C. Sau đó, Apple xác nhận vấn đề một phần bắt nguồn từ lỗi trong iOS 17, phiên bản mà hãng vừa tung ra cho iPhone đầu tháng.
Các điện thoại Android cũng từng gặp phải tình huống tương tự. Năm 2023, một số chủ sở hữu Pixel đã than phiền trên Reddit rằng thiết bị của họ bỗng nhiên nóng lên và hao pin nhanh chóng. Google sau đó thừa nhận nguyên nhân là do thay đổi trong ứng dụng của hãng.
Mặc dù việc điện thoại hơi ấm trong quá trình cài đặt bản cập nhật có thể coi là bình thường, nhưng biết cách xử lý khi nhiệt độ tăng quá mức vẫn là điều đáng lưu tâm.
Làm thế nào để ngăn điện thoại quá nhiệt trong khi cập nhật?
-
Đặt điện thoại ở không gian thoáng: Điều này giúp các linh kiện bên trong được làm mát tốt hơn. Tránh để điện thoại trong không gian chật hẹp, thiếu thông thoáng hoặc dưới ánh nắng trực tiếp. Nếu thấy máy nóng lên, bạn nên tháo bỏ ốp lưng. Đừng đặt đồ vật lên trên điện thoại trong lúc đang cập nhật.
-
Luôn cập nhật đều đặn: Thường xuyên nâng cấp hệ điều hành và ứng dụng trên điện thoại. Các bản cập nhật này thường bao gồm bản vá lỗi, có thể khắc phục mọi vấn đề gây quá nóng.
-
Khởi động lại điện thoại: Đôi khi, chỉ cần khởi động lại đơn giản cũng có thể làm nên điều kỳ diệu. Nó giúp sửa chữa những lỗi phần mềm nhỏ vốn gây ra tình trạng quá nhiệt.
-
Đóng ứng dụng: Hãy tắt hẳn các ứng dụng khi không dùng đến. Càng nhiều ứng dụng chạy nền, điện thoại càng phải hoạt động cật lực, dẫn đến tăng nhiệt.
-
Tránh sử dụng các ứng dụng nặng: Trong lúc cập nhật, đừng sử dụng những ứng dụng ngốn nhiều tài nguyên hoặc chơi game đồ họa cao. Hãy để điện thoại tập trung vào quá trình cập nhật mà không phải gánh thêm công việc phụ.
Tại sao điện thoại lại nóng lên khi cập nhật phần mềm?
Khi cập nhật phần mềm, điện thoại của bạn trải qua quá trình nâng cấp kỹ thuật số. Bản cập nhật sẽ sửa các lỗi của hệ điều hành nếu có. Để hoàn thành nhiệm vụ này, bộ xử lý phải làm việc vất vả hơn, dẫn đến tình trạng nóng lên tạm thời. Đồng thời, điện thoại cũng bận rộn cài đặt tính năng mới và tối ưu hóa hiệu suất, khiến nhiệt độ tăng cao nhanh chóng.
Tuy nhiên, nếu hiện tượng quá nhiệt kéo dài, bạn cần xử lý kịp thời để duy trì hiệu suất và sức khỏe của thiết bị. Bằng cách áp dụng các cách trên, bạn có thể giúp giảm thiểu hiện tượng quá nhiệt và nhanh chóng trở lại trạng thái mát mẻ, sẵn sàng đồng hành cùng bạn mọi lúc mọi nơi.